Sáng nay, khi đưa con gái đi thi học kỳ, con khoe với tôi: “Bố ơi, bài Toán hôm trước con được 10 nhé, nhưng bài Văn hôm nay chắc cố gắng được 8 thôi…”
Tôi mỉm cười. Trong đầu lại chợt hiện về một ký ức: Ngày học sinh, bài Văn được điểm cao nhất của tôi là 9 điểm – một bài viết cảm nhận sau khi đọc Cô bé bán diêm của Andersen. Một bài viết ngắn, non vụng, nhưng mẹ tôi đã giữ nó như báu vật suốt bao năm. Có những điều không cần đúng tuyệt đối để trở nên quý giá.
——

Một bài Toán đúng có thể được 10.
Nhưng một bài Văn hay… lại chỉ dừng ở 8, 9.
Vì Toán là logic. Văn là con người.
Toán cần đúng. Văn cần rung động.
Khi bạn giải đúng một bài toán, không ai tranh cãi. Nhưng khi bạn viết một bài văn, cảm nhận của mỗi người lại là cả một thế giới.
Chúng ta sống trong một xã hội thích sự rõ ràng của con số hơn là cái đẹp mơ hồ của cảm xúc.
Cây cầu sập thì rõ ràng là lỗi kỹ thuật. Nhưng một cuốn sách dở? Một cô hoa hậu đăng quang không thuyết phục? – Ai cũng có quyền lên tiếng.
Cảm xúc thì không có thước đo. Cái đẹp không có công thức. Sự rung động không phải lúc nào cũng đến đúng lúc, đúng người.
Và đó là lý do mà: Không ai tranh cãi về Nobel Vật lý, nhưng Nobel Văn học năm nào cũng có người phàn nàn. Không ai cãi về điểm 10 Toán, nhưng điểm 8 Văn vẫn khiến nhiều học trò thấy “lăn tăn” chưa được công bằng.
Con người càng đề cao logic và lý tính – thì nghệ thuật, văn chương càng bị thu hẹp chỗ đứng. Và đó là điều đáng nguy.
Bởi vì một xã hội không có chỗ cho sự mơ màng, cho cảm xúc, cho cái đẹp…
Sẽ là một xã hội máy móc cơ giới.
Tối ưu. Hiệu quả – nhưng cạn dần trắc ẩn.
Thành công. Thịnh vượng – nhưng cô đơn, lạc bước, vô hồn.
Chúng ta cần những điểm 9 Văn để học cách chấp nhận sự khác biệt. Vì không phải ai cũng khóc vì một bài thơ. Không phải ai cũng nhìn thấy vẻ đẹp trong một bài tùy bút. Và cũng không phải ai cũng rung động trước những điều không thể gọi tên.
Nhưng nếu còn một người được lay động… thì bài văn ấy đã chạm được đến cái thiêng liêng nhất của việc viết, của việc kết nối những con người cô đơn bằng ngôn từ.
Một startup gọi vốn thành công được tung hô là “thay đổi thế giới”. Nhưng một nhà văn cặm cụi cả đời với chữ nghĩa, chạm đến những vết nứt sâu thẳm trong tâm hồn nhân thế – thì chỉ được xem là “văn sĩ mộng mơ”.
Chúng ta dạy con quản lý tài chính từ sớm, dạy làm giàu, nhưng quên dạy con rung động. Chúng ta chăm chăm hỏi: “Cuốn sách này giúp ích gì cho sự nghiệp?” – thay vì hỏi: “Nó chạm đến trái tim mình ở đâu?”
Văn chương không “make money” nhanh. Nhưng nó nuôi lớn phần người trong ta. Và đôi khi, một câu văn đúng lúc – còn có thể cứu rỗi một cuộc đời lạc lối. Thứ sức mạnh ấy, không phải app nào cũng tạo ra được.
Điểm 10 cho Toán là minh chứng của trí tuệ. Nhưng một điểm 9 Văn – đôi khi lại là chứng tích của một trái tim còn biết lắng đọng trước cái đẹp.
Và nếu một xã hội chấm điểm 10 cho sự chính xác, đánh giá cao số liệu tăng trưởng xã hội , tài sản ròng cá nhân .. nhưng lại “định giá” thấp sự lay động, nỗi thổn thức, niềm xao xuyến, thoáng bồi hồi, cơn run rẩy – thì xã hội ấy liệu có đang đánh mất điều gì?


Bài viết thuộc bản quyền của Page “Anh Duy Đọc Xong Chưa?”. Mọi hình thức sao chép, trích dẫn lại mà không ghi nguồn đều là vi phạm tác quyền.