𝐍𝐠𝐮𝐲𝐞̂̃𝐧 𝐁𝐢́𝐜𝐡 𝐋𝐚𝐧 – 𝐊𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐆𝐮̣𝐜 𝐍𝐠𝐚̃

Đánh giá bài viết
𝐍𝐠𝐮𝐲𝐞̂̃𝐧 𝐁𝐢́𝐜𝐡 𝐋𝐚𝐧 – 𝐊𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐆𝐮̣𝐜 𝐍𝐠𝐚̃
Xin chân thành cảm ơn Nhà Xuất Bản Phụ Nữ Việt Nam và Nhà Sách First News Trí Việt đã gửi tặng tôi cuốn sách này – Một tác phẩm tràn đầy sức mạnh nghị lực phi thường của một người phụ nữ Việt Nam.
Đây là lần tái bản thứ 12 của cuốn tự truyện đầy cảm hứng này – một minh chứng cho giá trị bền bỉ mà nó mang lại cho độc giả. Tôi đọc ngấu sách trong 2 ngày, từng dòng một, và cảm giác như đang đứng trước một người phụ nữ đã đi qua những ngày khốn cùng nhất của kiếp người nhưng vẫn không chịu cúi đầu. Câu chuyện này không chỉ là của riêng chị. Nó là một lời nhắc nhở. Rằng số phận có thể nghiền nát thân xác, nhưng không thể dập tắt ý chí.
Tôi đã đọc nhiều tự truyện. Nhưng cuốn sách này, cũng như “Loan – từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng” (một tự truyện của một người phụ nữ Việt Nam mà tôi rất thích và cũng đã giới thiệu) không chỉ kể một câu chuyện. Nó là một minh chứng, một bản tuyên ngôn của lòng kiên định. Nếu bạn từng nghĩ rằng cuộc đời này có thể vùi dập bạn, hãy đọc cuốn sách này. Và bạn sẽ thấy rằng, ngay cả giữa tro tàn, con người vẫn có thể vươn lên, như một mầm cây mọc xuyên qua đá.
𝐊𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐆𝐮̣𝐜 𝐍𝐠𝐚̃
Năm mười bốn tuổi, khi những đứa trẻ khác còn chạy nhảy giữa cánh đồng, chị Nguyễn Bích Lan (sinh năm 1976, Hưng Hà, Thái Bình) bước vào một cuộc hành trình không ai mong muốn – hành trình đi tìm tên gọi cho cơn đau của chính mình (Sau này chị biết căn bệnh nan y đó khoa học gọi là loạn dưỡng cơ phát triển).
Hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, hết bác sĩ này đến bác sĩ khác, những đôi mắt mang theo sự bất lực, những lời chẩn đoán nửa vời, những hành lang dài vô tận, mùi thuốc sát trùng, tiếng xe cáng lăn qua nền gạch lạnh, những mũi tiêm, những lần đo điện tim, điện não – tất cả cứ lặp đi lặp lại như một cơn ác mộng không hồi kết.
Có những ngày, chị cảm giác như cả thế giới đã bỏ quên mình trong một căn phòng nhỏ, nơi bệnh tật gặm nhấm từng chút sức lực cuối cùng. Nhưng có một thứ không ai có thể lấy đi. Tri thức.
Không đến trường. Không thầy cô. Không một ai dẫn đường. Chị tự học, như thể đang tự khắc từng con chữ lên bức tường của định mệnh. Một cuốn từ điển cũ, một chiếc radio rè rè phát tiếng Anh bắt sóng BBC, một cuốn giáo trình Streamline lượm lặt. Mỗi ngày một ít. Từng từ, từng câu, từng đoạn văn. Mỗi lần cơn đau kéo đến, chị lại vượt qua những giới hạn, và tiếp tục tự học. Và rồi, từ căn phòng nhỏ 10m2 ấy, chị mở ra một thế giới.
Chị trở thành cô giáo. “Lớp học cây táo” ra đời, nơi tri thức được truyền đi từ một người gần như quá khó khăn để có thể bước ra khỏi cửa. Chị trở thành dịch giả. Hơn ba mươi đầu sách. Những tác phẩm từ khắp nơi trên thế giới, qua bàn tay chị, trở thành một nhịp cầu.
Và người ta bắt đầu biết đến chị. Một ngày nọ, cái tên Nguyễn Bích Lan xuất hiện trên truyền hình, trong những bài báo, trên bìa những cuốn sách dịch.
Chị trở thành dịch giả của hơn 30 đầu sách, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như Triệu phú khu ổ chuột (Slumdog Millionaire), Cuộc sống không giới hạn (Life Without Limits) hay Không gục ngã (No Dream Too High). Năm 2010, chị Bích Lan đã được mời lên chương trình “Người đương thời” của VTV1, được vinh danh với giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam cho bản dịch Triệu phú khu ổ chuột. Chị chính thức trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, và được lựa chọn là 1 trong 8 người phụ nữ đương đại được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tôn vinh trong khu trưng bày đặc biệt.
….
Nhưng điều quan trọng không phải là sự công nhận, mà là những gì chị đã để lại. Một chứng nhân cho nghị lực sống. Một người phụ nữ bước qua bóng tối, không phải để trốn chạy, mà để thắp lên một ngọn đèn.
Chị nói: “Tôi không chọn được số phận, nhưng tôi có quyền lựa chọn cách mình sống.”
Tôi gấp cuốn sách lại. Nhưng hình ảnh ấy vẫn còn nguyên trong tâm trí – “hai đôi tay cầm một viên phấn” viết những dòng chữ trên bảng, những con chữ lặng lẽ mang theo sức mạnh của một người phụ nữ không chịu khuất phục.
Và tôi muốn cảm ơn chị. Cảm ơn vì đã kể câu chuyện này.
Sách có thể không thay đổi thế giới. Nhưng sách có thể thay đổi một con người. Và đôi khi, chỉ cần một con người thay đổi, cả thế giới cũng sẽ không còn như trước nữa.
Nhờ mạng xã hội, tôi biết chị Lan cũng có trang cá nhân xin phép tag chị @Nguyễn Bích Lan vào bài viết này để gửi một lời cảm ơn. Vì những gì chị đã viết. Vì những gì chị đã làm. Vì những mầm xanh hy vọng chị đã gieo trên những mảnh đất cằn cỗi nhất của phận người.
Cũng xin cảm ơn những dịch giả sách, những “con ngựa thồ văn hoá” (theo cách nói của chị) âm thầm chuyển chở ánh sáng đến những nơi nó cần phải đến. Ai đó ngoài kia, giữa đêm đen, giữa tuyệt vọng, sẽ tìm thấy một cuốn sách. Một câu chữ. Một lối ra. Và rồi họ sẽ tiếp tục bước đi.
©️𝙰𝙽𝙷𝙳𝚄𝚈𝙳𝙾𝙲𝚇𝙾𝙽𝙶𝙲𝙷𝚄𝙰

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *