𝐓𝐡𝐞 𝐍𝐚𝐫𝐫𝐨𝐰 𝐂𝐨𝐫𝐫𝐢𝐝𝐨𝐫 (Hành lang hẹp)

Đánh giá bài viết
  
FB post:
https://www.facebook.com/share/p/19EJR4zuFN/
Cuối năm cấp 3, tôi đã chọn học kinh tế, vì một câu nói của cậu bạn. Bố là bác sĩ, nhưng cậu ta bảo tôi:
“Bác sĩ giỏi thì cả đời cứu được vài chục, vài trăm người. Nhưng nếu làm nhà kinh tế, nếu làm đúng, có thể cứu cả một dân tộc.”
Câu nói tưởng chừng vu vơ, từ miệng một cậu bạn cấp 3, đã ám vào tôi suốt những năm tháng sau này – khi tôi lặng lẽ theo đuổi con đường học kinh tế, trở thành một sinh viên, rồi một người đọc cả đời về các vấn đề chính sách công.
Trong số những người tôi âm thầm theo dõi suốt những năm qua, có anh Vũ Thành Tự Anh – nhà kinh tế mà tôi rất nể, bởi các bài phân tích sắc sảo và những khuyến nghị chính sách công với nhiều tinh thần trách nhiệm của một nhà kinh tế chân chính.
Và hôm nay, cuốn sách tôi muốn giới thiệu – cũng là tác phẩm do chính anh Tự Anh hiệu đính: “Hành lang hẹp” – The Narrow Corridor. Tác phẩm của hai nhà kinh tế học vừa đoạt giải Nobel Kinh tế 2024: Daron Acemoglu & James Robinson.
Cuốn sách là một lời cảnh báo thẳng thắn:
Tự do không bao giờ là một món quà. Nó là một hành trình tranh đấu không ngừng giữa Nhà nước và Xã hội.
——
Acemoglu & Robinson gọi đó là hiệu ứng “Nữ Hoàng Đỏ”, mượn hình ảnh từ “Alice ở Xứ sở thần tiên” của Lewis Carroll – nơi Alice phải chạy thật nhanh chỉ để đứng yên một chỗ.
Với họ, tự do cũng vậy. Nếu Nhà nước và Xã hội không chạy song hành, không thúc ép lẫn nhau, thì tự do sẽ bị bóp nghẹt.
– Nhà nước cần đủ mạnh để cung cấp trật tự, dịch vụ công, luật pháp.
– Nhưng Xã hội dân sự cũng cần đủ sức mạnh để giám sát, kiểm soát Nhà nước, không để nó trở thành Leviathan bạo chúa.
Nếu một bên lười biếng, ngừng vận động, bên kia sẽ nuốt trọn tự do. Xã hội sẽ trượt khỏi Hành lang hẹp – rơi vào bạo chúa hoặc hỗn loạn.
Acemoglu & Robinson đã đi xa hơn cả Hobbes.
Nếu như Hobbes cho rằng chỉ cần một Leviathan đủ mạnh là có trật tự, dù cái giá là hy sinh một phần tự do cá nhân, thì Acemoglu & Robinson cảnh báo:
• Leviathan quá mạnh, không bị kiểm soát -> trở thành quái vật bạo chúa.
• Leviathan quá yếu, không giữ được trật tự -> xã hội rơi vào hỗn loạn, vô chính phủ.
Cách duy nhất để duy trì tự do là cả Leviathan và Xã hội phải luôn vận động, cải cách, tiến hóa không ngừng.
Lịch sử châu Âu trung cổ là một ví dụ điển hình cho hiệu ứng này:
Sự sinh sôi của các đại hiến chương, nghị viện, các thiết chế kiểm soát quyền lực Nhà nước… không phải từ một thiết kế lý tưởng nào. Mà từ sự va chạm ngẫu nhiên giữa hai lưỡi kéo:
• Các thiết chế hành chính, quân sự, thuế má tập trung (centrailize) kiểu La Mã.
• Các tập quán tự trị, thể chế đại chúng kiểu German (decentralized).
Nếu chỉ có một lưỡi kéo (La Mã – Nam Âu), thì nhà nước chuyên chế đã tràn lan. Nếu chỉ có 1 lưỡi kéo kia ( các bộ tộc German – Bắc Âu), thì xã hội chỉ quẩn quanh trong vô chính phủ, thiếu tiến hóa chính trị.
Chính hiệu ứng Nữ Hoàng Đỏ – khi hai lực kéo liên tục đẩy nhau tiến hóa, buộc cả Nhà nước lẫn Xã hội dân sự không thể dừng lại – mới khai sinh ra những quốc gia biết cân bằng giữa sức mạnh và sự kiểm soát, giữa trật tự và tự do.
Hành lang hẹp không dành cho những ai lười biếng.
Không dành cho những ai chỉ muốn đứng yên và hy vọng tự do sẽ ở đó mãi mãi.
Nó chỉ dành cho những xã hội biết rằng:
Nếu bạn dừng chạy, bạn sẽ bị đánh bật khỏi hành lang.
Nếu bạn ngủ quên, Leviathan sẽ trở thành quái vật.
Bài viết thuộc bản quyền của Page “Anh Duy Đọc Xong Chưa?”. Mọi hình thức sao chép, trích dẫn lại mà không ghi nguồn đều là vi phạm tác quyền.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *