𝑮𝒐𝒐𝒅𝒃𝒚𝒆 𝑻𝒖𝒈𝒖𝒎𝒊

Đánh giá bài viết
Có những cuốn tiểu thuyết, không phải để đọc. Mà để được sống cùng. Vĩnh biệt Tugumi của Banana Yoshimoto là một cuốn như thế.
Tugumi là một nhân vật kỳ lạ. Ở cô luôn tồn tại một thứ năng lượng vừa đối lập, vừa hài hòa: Vừa hung hăng, bất cần đời, lại vừa mỏng manh, dịu vợi như một vệt khói. Cô biết mình không sống được lâu. Và cũng vì thế, mỗi phút giây của Tugumi đều mang dáng dấp của một trận chiến với số phận. Không phải chiến đấu để kéo dài thời gian, mà để sống trọn trong từng lát cắt của nó.
Cô quát tháo. Cô cười khẩy. Cô nổi giận với cả những điều nhỏ nhoi nhất. Nhưng đằng sau tất cả, là nỗi cô đơn không thể đặt tên.
Tugumi không bao giờ nói ra nỗi sợ của mình. Nhưng bạn sẽ thấy nó trong cách cô nằm nghe tiếng biển đêm, trong cách cô bất chợt im lặng sau một trận cười. Cô sợ buổi sáng không thể thức dậy. Sợ mọi thứ còn đang dang dở. Sợ mình sẽ bị quên đi như một chiếc gối lõm hay tấm chăn nhàu đã cũ.
Mùa hè ở thị trấn biển – một khúc ca chia tay rất khẽ
Bối cảnh của Vĩnh biệt Tugumi là một thị trấn biển nhỏ, nơi mà những điều không được nói ra nhiều hơn cả những lời được thốt thành tiếng. Tại nơi ấy, mọi nhân vật dường như đều đang học một điều – học cách nói lời tạm biệt.
Chia tay tuổi trẻ.
Chia tay những ảo tưởng đầu đời.
Và trong trường hợp của Tugumi – chia tay với chính sự tồn tại của mình.
Banana Yoshimoto không viết về cái chết như một hồi chuông báo tử. Bà để nó len vào từng dòng văn như sương sớm: nhẹ, ẩm, và thấm lâu. Không bi lụy. Không kịch tính. Chỉ là một điều gì đó đang đến gần – và vì thế, mọi khoảnh khắc trong hiện tại trở nên quý giá đến lặng người.
Và nếu một ngày Tugumi rời đi…
Không ai trong truyện nói về cái chết một cách trực tiếp. Nhưng người đọc cảm thấy nó hiện diện mọi nơi. Trong ánh nhìn của Maria – người bạn dịu dàng luôn lặng lẽ ở bên cạnh Tugumi. Trong cách Tugumi ngồi nhìn sóng biển mà không nói gì.
Tugumi không để lại những di nguyện lớn lao. Cô chỉ mong sẽ có ai đó nhớ đến giọng nói của mình. Nhớ buổi chiều hôm đó. Nhớ vị kem tan chảy trên tay và tiếng sóng vỗ nhẹ vào lòng phố biển.
Và người đọc không thể nào quên..
Khi gấp cuốn sách lại, tôi thấy như mình vừa sống một mùa hè ngắn ngủi mà sâu lắng. Một mùa hè có vị mặn của nước mắt, nhưng cũng có vị ngọt của những điều giản dị mà ta từng bỏ quên.
Tugumi, bằng cách sống của mình, đã dạy cho người đọc một điều rất nhỏ – nhưng cũng rất thật:
Rằng sự sống không nằm ở độ dài, mà ở cách ta chạm vào từng ngày như thể đó là ngày cuối cùng.
Vĩnh biệt Tugumi không phải là một cuốn sách về cái chết. Nó là một cuốn sách về niềm sống mong manh, mà vì mong manh nên càng trở nên quý giá.
Tối nay có mưa.
Và có tiếng nhạc cũ.
Không biết từ khi nào, tôi có thói quen nghe city pop (tôi hay nghe Kiyotaka & Omega Tribe) vào những đêm mưa gió và đọc một cuốn novel nhẹ nhàng như Goodbye Tsugumi. Những ca khúc chẳng hiểu lời, chỉ thấy nhịp điệu như trôi. Mềm, ấm, và chậm hơn tốc độ của thời đại. Như thể mình được trả về một thành phố khác – nơi thời gian dịu đi, và con người có thể buồn mà không cần lý do.
Đĩa than phát đến mặt B. Giai điệu chậm lại. Như một lời thì thầm. Rằng: “Dù có chuyện gì xảy ra, mình cũng đã sống qua một buổi tối đẹp thế này rồi đấy.”
Sách: Vĩnh biệt Tugumi (Banana Yoshimoto) – original published in 1989.
Tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim vào năm 1990.
Bài viết thuộc bản quyền của Page “Anh Duy Đọc Xong Chưa?”.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *