𝗟𝗼𝘃𝗶𝗻𝗴 𝗹𝗶𝗳𝗲, 𝘀𝘁𝗶𝗹𝗹 – 𝗡𝗴𝘂𝘆𝗲𝗻 𝗕𝗶𝗰𝗵 𝗟𝗮𝗻

Đánh giá bài viết
𝗟𝗼𝘃𝗶𝗻𝗴 𝗹𝗶𝗳𝗲, 𝘀𝘁𝗶𝗹𝗹 – 𝗡𝗴𝘂𝘆𝗲𝗻 𝗕𝗶𝗰𝗵 𝗟𝗮𝗻
 
Từ “Không Gục Ngã” đến “Thích Sống”: Một hành trình tự học, vượt thoát và tự do nội tại
Hai cuốn sách của chị Nguyễn Bích Lan, viết cách nhau nhiều năm, không chỉ phản ánh hai giai đoạn khác nhau của cuộc đời chị, nhưng đều nhấn mạnh và minh chứng cho tư duy tự học (bản thân tôi cũng là một người tự mày mò học, trong một vài lĩnh vực, nên rất tâm đắc).
Ở “Không Gục Ngã”, hành trình tự học hiện lên như một cuộc vật lộn không khoan nhượng với số phận. Một cô gái tuổi hoa niên bỗng phát hiện cơ thể mình không còn là của mình nữa – căn bệnh loạn dưỡng cơ cướp dần từng chức năng vận động, nhưng không thể lấy được khát khao học hỏi và ý chí tồn tại. Việc học tiếng Anh không còn là một lựa chọn, mà trở thành chiếc phao cứu sinh. Từng trang sách, từng buổi học khuya trong căn phòng nhỏ mười mét vuông là một cuộc chiến. Ở đây, tự học là một nỗ lực đơn độc, nhiều lúc tưởng chừng buông xuôi, nhưng rồi lại rực cháy – giống như một người leo vách núi bằng tay không, tin rằng chỉ thêm một cú sải tay nữa thôi, thì ở phía trên sẽ là mặt đất.
Còn trong “Thích Sống”, người đọc không còn thấy bóng dáng của sự vật lộn nữa. Không còn những tiếng ngậm ngùi trong hành lang bệnh viện, nỗi sợ hãi thường trực khi nghĩ đến tương lai. Cuốn tự truyện mới nhất của chị Bích Lan là một chặng nghỉ, một dấu phẩy để người viết nhìn lại quá khứ và chính mình với sự bình thản của một người đã “học đủ đau thương để biết mỉm cười”.
Ở đây, tự học không còn chỉ là công cụ để vượt qua nghịch cảnh, mà trở thành phương pháp để giúp cuộc sống đi vào chiều sâu, chiều thứ tư. Học cách hiểu bản thân, học cách buông tha cho mình và cho đời. Nếu “Không Gục Ngã” là học để chiến thắng, thì “Thích Sống” là tiếp tục học chấp nhận, và vượt lên bằng sự thấu cảm.
Điểm chung giữa cả hai cuốn sách – và cũng là điều đáng giá nhất – là ở chỗ: chị Nguyễn Bích Lan không tự học để thi cử, để thành tích, để cạnh tranh, mà để sống một cuộc đời đúng nghĩa. Với chị, học không bắt đầu từ trường lớp, mà bắt đầu từ nỗi đau thường trú. Học không kết thúc bằng tấm bằng, mà bằng sự trưởng thành về nhân cách.
Trong “Không Gục Ngã”, nếu ta vẫn nghe được tiếng hét của một cô gái bị ném vào vực sâu số phận, thì “Thích Sống” ta chỉ còn nghe tiếng nói dịu nhẹ của một người đã đi qua những ngày giông và đang bình thản hong nắng tâm hồn .
Trong “Không Gục Ngã”, việc tự học hiện lên như một hành động sinh tồn, dữ dội, cấp bách, và là vũ khí cuối cùng để chống trả lại sự im lặng tàn nhẫn kéo lê số phận.
Còn “Thích Sống” là một bản dạ khúc lắng đọng. Không còn là giọng kể của một người ngụp lặn với những tổn thương, mà là của người đã băng xuyên qua nó.
Tôi đồng cảm với chị Lan, tôi hiểu tự học là một tiến trình kỳ vĩ nhất, tiến trình phát minh quang đại, từ nội giới đến ngoại giới, ta học cách ngồi yên, học cách biết ơn, học cách nhìn thấy giá trị của từng khoảnh khắc, sống một ngày, lãi một ngày.
Một sự học chân phương nhất khi và chỉ khi không có giáo trình, không kỳ thi, ở đó chỉ có sự thành thật với chính mình.
Điểm chung giữa hai cuốn sách và cũng là điều khiến tôi cảm phục là tinh thần học hỏi không ngày nghỉ của chị Nguyễn Bích Lan. Chị học không để vượt ai, mà để vượt chính mình. Chị không đi theo đại lộ của số đông, mà âm thầm mở ra con đường riêng – một lối đi được lát bằng những nỗi nhọc nhằn chẳng ai hiểu nổi.
“Quyền lựa chọn”: Cánh cửa nhỏ nhất – nhưng cũng tự do nhất mà con người còn lại
Trong cuốn Thích Sống, chị Nguyễn Bích Lan không rao giảng triết lý, nhưng đời sống của chị qua từng trang sách – lại là một minh chứng sống động cho triết lý hiện sinh của Sartre (một triết gia yêu mến của tôi). Satre từng nói: “We are our choices.” (Chúng ta chính là tổng hòa của những lựa chọn mình đã đưa ra).
Với Sartre, con người sinh ra không mang sẵn “bản chất”. Không có một khuôn mẫu sẵn có, một số phận định sẵn, hay một bàn tay vô hình nào vẽ đường cho ta. Con người tự do – và vì thế, con người chịu trách nhiệm tuyệt đối cho chính mình. “Con người bị kết án phải tự do”- Satre phán.
Trong hoàn cảnh tưởng như không còn lựa chọn nào, cơ thể dần bị khóa chặt bởi căn bệnh hiếm, chị Lan vẫn không chấp nhận sống như một “nạn nhân của số phận”. Chị chọn học, chọn dịch sách, chọn viết, chọn sống tử tế và có ý nghĩa, trong một thế giới mà nhiều người khỏe mạnh hơn chị vẫn lạc lối.
Chị không chọn bệnh. Nhưng chị chọn cách sống cùng nó. Không ai tước đi của chị quyền tự quyết đó – trừ khi chị tự buông. Đó chính là sự tự do hiện sinh sâu sắc nhất. Một loại tự do không ồn ào, không đến từ tiền bạc, địa vị, hay hình hài hoàn hảo – mà đến từ ý chí và sự chủ động với từng sát na của đời mình.
Khi Sartre nói “we are our choices”, ông không ca ngợi tự do như một món quà, mà nhìn nó như gánh nặng của kiếp người. Vì tự do đi kèm TRÁCH NHIỆM. Không thể đổ lỗi. Không thể viện cớ. Không ai có thể sống thay bạn. Mỗi quyết định – dù nhỏ – cũng góp phần tạo nên chính bạn.
Chị Nguyễn Bích Lan không dùng lý thuyết để sống. Chị sống như một câu trả lời.
——
Không Gục Ngã là tiếng của một người trẻ đang rơi.
Không ai đỡ chị cả. Chị học cách cắn răng. Học trong im lặng. Tự học không vì bằng cấp. Không vì ai công nhận.
Chỉ vì nếu không học, chị sẽ chết.
Chết trước trong thân xác của chính mình.
Không đi được, nhưng đầu óc thì vẫn có thể chạy. Và chị chạy. Bằng những từ tiếng Anh. Bằng những cuốn sách & chiếc đài radio cũ.
Tự học – là chọn lựa.
Rồi thời gian trôi.
Nỗi đau cũng già đi.
Thích Sống là cái tên nghe nhẹ. Nhưng bên trong không nhẹ. Là những dòng viết khi tác giả không còn muốn chứng minh gì nữa.
Không gầm gào. Không vật lộn.
Chỉ là lặng yên. Và sống.
Người ta học vì muốn hơn người khác.
Chị học vì không muốn thua chính mình.
Chị học không phải để được gọi là người giỏi.
Mà chỉ để được là người có ích.
Học cho chính mình, và cho cộng đồng.
Tự học
Không có tiếng vỗ tay.
Không có bảng điểm.
Chỉ có chị và căn phòng mươi mét vuông.
Và một giọng nói bên trong âm ỉ:
Cứ học đi.
Vì mình vẫn thích sống.
Bài viết dành tặng chị Nguyễn Bích Lan
©️𝗔𝗡𝗛𝗗𝗨𝗬𝗗𝗢𝗖𝗫𝗢𝗡𝗚𝗖𝗛𝗨𝗔
Bài viết thuộc bản quyền của Page “Anh Duy Đọc Xong Chưa?”. Mọi hình thức sao chép, trích dẫn lại mà không ghi nguồn đều là vi phạm tác quyền.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *