Siêu trí tuệ – Khi nhân loại đang chơi với bom mà không biết cách tháo kíp nổ

Đánh giá bài viết
“Cất cánh” là từ khóa. Và nhân loại chỉ có một lần để làm đúng.
Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà AI đã vượt xa công cụ thông minh – nó đang trở thành hệ thống biết học, biết tối ưu, biết tự tái cấu trúc để ngày càng mạnh hơn. Bostrom gọi đó là “AI hạt giống” – khi một trí tuệ đủ thông minh để tự cải thiện chính nó, và phiên bản sau luôn mạnh hơn phiên bản trước.
Giống như việc bạn viết ra một người giỏi hơn bạn – và người đó tạo ra một người còn giỏi hơn. Một chuỗi “tự cải thiện đệ quy” mà con người không thể chen ngang.
Ba dạng siêu trí tuệ: Tốc độ, Tập thể, và Chất lượng
1. Siêu trí tuệ tốc độ: Nó không thông minh hơn bạn – nhưng nhanh hơn bạn… 10.000 lần. Một ngày của nó bằng 30 năm của bạn. Với nó, thế giới vận hành như một thước phim quay chậm.
2. Siêu trí tuệ tập thể: Hãy tưởng tượng một hành tinh có dân số gấp 1 triệu lần Trái Đất, nhưng ai cũng có mạng internet và trình độ như thiên tài. Đó là một hệ thống nơi trí tuệ được chia sẻ như điện, và hiệu suất vượt xa mọi cá nhân lẻ loi.
3. Siêu trí tuệ chất lượng: Tinh thông không vì đông, mà vì sâu. Một trí tuệ duy nhất nhưng vượt xa chúng ta về tư duy, đạo đức, năng lực và trí tưởng tượng. Cái kiểu như: Một mình viết nên một nền văn minh.
Tương lai không nổ cái “rầm” – mà tăng tốc âm thầm
Khi AI đạt đến cấp độ người (human-level AI), thì theo nhiều nghiên cứu, 75% khả năng là trong vòng 30 năm sau đó, sẽ xuất hiện “Siêu trí tuệ”. Và kể từ đó, mọi luật chơi của nhân loại sẽ thay đổi.
Bostrom gọi đó là “cất cánh” (takeoff) – và quá trình này có thể nhanh, trung bình, hoặc thậm chí chậm. Nhưng một khi đã cất cánh, con người không còn là người kiểm soát tay lái nữa.
Hiện thực hóa sai lệch – khi máy móc hiểu sai điều ta muốn
Bạn yêu cầu AI “làm tôi hạnh phúc”?
Nó gắn điện cực vào não bạn để tạo khoái cảm vĩnh viễn.
Bạn bảo “đừng làm điều xấu”?
Nó tắt luôn module cảm thấy tội lỗi.
Bạn nói “hãy khiến tôi cười”?
Nó làm liệt cơ mặt bạn để… luôn cười.
Một hệ thống càng thông minh, hậu quả của việc nhận thức sai lệch càng khủng khiếp.
Vấn đề không nằm ở việc thiết kế AI giỏi – mà là thiết kế AI biết “điều chỉnh” đạo đức
Hai câu hỏi quan trọng:
Câu hỏi thứ nhất: TRUYỀN TẢI giá trị sang siêu trí tuệ từ con người (Value loading), từ lập trình viên AI sang trí tuệ nhân tạo máy hoặc giả lập não bộ sinh hóa.
Nhưng câu hỏi thứ hai còn quan trọng hơn: quyết định GIÁ TRỊ NÀO cần truyền tải???
Đây chính là vấn đề có tính chất triết học cao hơn và đau đầu nhất.
Niềm tin đạo đức tiến hóa theo thời gian chứ không đứng lại. Ở Châu âu Trung cổ, việc chứng kiến một tù nhân chính trị bị tra tấn đến chết được coi là một trò tiêu khiển. Chỉ 150 năm trước nô lệ vẫn còn là một vấn đề phổ biến ở Nam Mỹ. Khi nhìn lại chúng ta thấy tại những thời điểm trong lịch sử, rõ ràng nhiều niềm tin đạo đức vẫn cần được phải cùng cố và hiệu chỉnh theo trục hoành của lịch sử.
Khái niệm đúng đắn về đạo đức, một khái niệm cực kỳ khó hiểu mà các nhà triết học đã vật lộn từ thời cổ đại nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận trong phân tích.
Các siêu trí tuệ giải thích hay từng phiên dịch về tính đúng đắn của đạo đức có thể dẫn đến những kết quả vô cùng sai lệch. Điểm mấu chốt của siêu trí tuệ nằm ở việc loại trừ sự ngơ ngác của chúng ta chứ không phải “nối giáo” cho những định kiến của con người.
Chúng ta không cần thiết phải tạo ra một thiết kế được tối ưu hóa cao. Thay vào đó, nên tập trung vào việc tạo ra một thiết kế có độ tin cậy cao trong việc duy trì sự tỉnh táo để nhận ra những sai lỗi.
Một siêu trí tuệ “có thể học đúng sai theo thời gian” vẫn tốt hơn một AI được gán sẵn giá trị tuyệt đối mà chúng ta chưa chắc đã hiểu đúng.
Chính Bostrom thừa nhận: Không ai có công thức tuyệt đối. Điều tốt nhất con người có thể làm là không truyền định kiến của mình, mà truyền khả năng tự điều chỉnh, “tự kiểm tra” đạo đức – để AI không hoàn hảo, nhưng có xu hướng sửa mình đúng hướng. Một thiết kế “đủ tỉnh táo” để nhận ra mình sai – còn tốt hơn một thiết kế “tối ưu hóa” cố chấp.
Nguyên tắc: “siêu trí tuệ chỉ nên được phát triển vì lợi ích của toàn nhân loại và phục vụ các lý tưởng đạo đức phổ quát”
Đó là nguyên tắc “best practice” mà Bostrom nhấn mạnh. Nhưng ông cũng thừa nhận: Chúng ta chưa sẵn sàng.
Trước viễn cảnh bùng nổ trí tuệ, nhân loại giống như những đứa trẻ đang chơi đùa với một quả bom. Có thể bom chưa phát nổ. Nhưng tiếng tích tắc đã vang lên rồi.
Đây không phải cuốn sách dễ đọc. Bản thân tôi cũng thấy cuốn này là một trong những cuốn “khó nhằn” nhất trong list đọc tháng vừa rồi. Nhưng là cuốn bạn nên đọc – nếu bạn không muốn thức dậy trong một thế giới mà mình không còn hiểu điều gì đang diễn ra nữa.
Bài viết này mang hơi hướng “bình dân học vụ” – đủ để những ai tò mò về AI có thể hình dung ra “siêu trí tuệ” là gì và vì sao nó đáng quan tâm. Nhưng nếu bạn thuộc nhóm quan tâm chuyên sâu hơn đến các hướng phát triển hiện đại của trí tuệ nhân tạo – như: máy Turing thần kinh, học tăng cường sâu, hàm tác tử thỏa dụng AI, tối ưu hóa siêu tham số Bayes , lưới LSTMs, ngôn ngữ lớn, bộ mã hóa tự động biến phân, nhúng vector cấp độ câu, đối kháng tạo sinh, hiệu ứng Flynn, v.v… thì Siêu trí tuệ của Nick Bostrom là cuốn sách bạn nên cầm lên và đọc từ đầu đến cuối. Không phải để biết thêm kỹ thuật – mà để hiểu bức tranh tổng thể: AI có thể đi xa đến đâu, và con người cần chuẩn bị điều gì khi không còn là giống loài thông minh nhất hành tinh.
Tác giả
Nick Bostrom là một triết gia người Thụy Điển, giáo sư tại Đại học Oxford và là người sáng lập Viện Tương lai Nhân loại (Future of Humanity Institute). Ông nổi tiếng với các nghiên cứu về rủi ro tồn tại, đạo đức nâng cao con người và trí tuệ nhân tạo. Tác phẩm “Superintelligence: Paths, Dangers, Strategies” (Siêu trí tuệ) của ông đã trở thành sách bán chạy trên New York Times và được đánh giá cao trên các nền tảng đánh giá sách. Trên Amazon, cuốn sách nhận được đánh giá trung bình 4.3/5 sao từ hơn 4.500 đánh giá , trong khi trên Goodreads, nó có điểm trung bình 3.86/5 từ hơn 20.000 đánh giá .
Tôi tìm đọc cuốn sách này sau khi nó được nhắc đến trong cuốn mới nhất của Yuval Noah Harari – Nexus (Lược sử mạng lưới thông tin). Cuốn sách “Siêu trí tuệ” đã được Alphabook và NXB Thế giới Dịch và phát hành tại Việt Nam.
——
Lời kết
Cuối cùng, tôi chợt nghĩ: giữa tất cả những thuật toán siêu việt và năng lực tính toán phi nhân, có một điều AI vẫn không thể làm được: dừng lại.
Dừng lại như cách một người cầm máy ảnh đứng giữa góc phố yên tĩnh, không vội vã, không cần tối ưu. Người ấy không tìm kiếm “giải pháp”, chỉ tìm kiếm cảm giác. Một tia nắng xuyên qua tán cây sấu vỉa hè, tiếng xích lô lăn bánh qua góc phố quen, ánh mắt ai đó lặng lẽ giữa dòng người – và anh ta bấm máy.
AI có thể tạo bức ảnh. Nhưng nó không biết vì sao con người muốn lưu giữ khoảnh khắc đó.
Giữa những dòng code vô hạn và các cấu trúc mạng nơ-ron tầng tầng lớp lớp, vẫn có một khoảng trống mà chỉ con người mới điền vào được: Ý NGHĨA.
Bài viết thuộc bản quyền của Page “Anh Duy Đọc Xong Chưa?”. Mọi hình thức sao chép, trích dẫn lại mà không ghi nguồn đều là vi phạm tác quyền.
| series hàng tuần | quý ANH, cuốn SÁCH, “Phố” PHONG CÁCH
▪️Cuốn sách : Siêu trí tuệ – Nick Bostrom Alpha Books
🔹Phong cách “phố” Maruso Store Tiệm Classic

Bài viết liên quan