ĐỐI THOẠI THÁNG TƯ

Đánh giá bài viết
Phỏng vấn với khách mời: nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan.
——–
Có những cuộc gặp không nằm trong kế hoạch, mà trong một dòng chảy vô hình của thời gian. Tôi từng đọc một cuốn sách của chị Nguyễn Bích Lan, cuốn tự truyện với sự thành thật hiếm có. Không phải sự trau chuốt bóng bẩy, mà là một giọng kể từ tốn, chậm rãi, từng con chữ đã được chị sống trước khi viết xuống.
Chính từ cuốn sách ấy, tôi lần tìm hiểu thêm về chị – và rồi, với tất cả sự trân trọng, tôi ngỏ lời xin được thực hiện một cuộc phỏng vấn online nhỏ. Bất ngờ hơn cả là chị đã đồng ý.
Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn bài phỏng vấn ấy. Không dài, không kịch tính. Nhưng tôi tin, nó mang theo một thứ ánh sáng rất riêng – thứ ánh sáng của một người không cần đứng dưới ánh đèn Spotlight để được thấy.
——–
🎙️Anh Duy Đọc Xong Chưa :
“Với một người đã từng trả lời hàng nghìn câu hỏi từ báo chí, em tin rằng điều quan trọng nhất bây giờ không phải là hỏi thêm một câu, mà là chạm vào một góc chưa ai từng chạm đến – một điều có thể chưa từng được hỏi, nhưng lại mang nhiều sức nặng nhất
Đến thời điểm này trong cuộc đời – khi đã vượt qua nhiều giới hạn và đạt được những điều tưởng chừng không thể – ở phần chương tiếp theo của hành trình “thích sống”, có giới hạn nào khiến chị trăn trở và thôi thúc mình phải bước tới, bước qua vùng an toàn?”
🎙️Chị Nguyễn Bích Lan:
“Bạn biết đấy, chính trong nghịch cảnh tôi đã học cách khám phá bản thân. Sức chịu đựng, ý chí, sự kiên trì, những tài sản tinh thần đó đều do tai ương dạy tôi cách trau dồi và rèn luyện mà có. Nếu Tạo Hoá có ban cho tôi thì cũng chỉ cho ít thôi ( tôi nghĩ cho như Ngài đã cho đều tất cả mọi người để làm vốn thôi, bởi vì trước khi gặp tai ương ở tuổi 13 tôi cũng như tất cả những người trẻ cùng trang lứa, chẳng có gì nổi bật cả.) Điều vô cùng quan trọng và khiến tôi có việc để làm suốt đời đó là tôi đã biết mình có thể “đi”, đi đến nhiều chân trời của vũ trụ ở bên trong chính bản thân mình. Vậy nên tôi sẽ tiếp tục khám phá thế giới bên trong ấy và nếu gặp các giới hạn, bất cứ giới hạn nào, thì tôi sẽ tìm cách vượt qua.
Chuyện đó đã trở thành tự nhiên đối với tôi. Có thể bạn sẽ bật cười vì ai lại cứ cố gắng không ngừng cho đến khi va vào những giới hạn của mình để rồi nảy sang phía bên kia thế cơ chứ! Trong tự truyện “Thích sống” tôi đã viết: “Tôi muốn khám phá để biết trong con người mình còn gì đáng quý để dành tặng cho cuộc sống hay không. Cơ hội để tôi làm điều đó vẫn còn, tôi nghĩ thế.”
🎙️Anh Duy Đọc Xong Chưa:
“Giả sử nếu cuộc đời chị không được viết thành sách, không được mời chia sẻ, không có những tràng vỗ tay hay ánh nhìn ngưỡng mộ – thì hành trình vượt qua nghịch cảnh ấy, với riêng chị, có còn ý nghĩa?”
🎙️Chị Nguyễn Bích Lan:
“Tôi nghĩ được người khác biết đến hay không, hành trình vượt qua nghịch cảnh của tôi vẫn có nhiều ý nghĩa. Bởi vì mục đích cốt lõi của hành trình vượt qua nghịch cảnh ấy là để tự cứu mình chứ không phải để được tung hô hay ca ngợi. Chặng gian khó nhất của hành trình ấy tôi hoàn toàn tự học trong lặng lẽ. Lúc đó không hề có sự tung hô nào. Ngay cả khi ấy tôi vẫn cảm thấy mình lớn lên mỗi ngày qua sự cố gắng mầy mò tự học, sự rèn luyện kỷ luật và ý chí. Càng đi trên con đường tự học thế giới của tôi càng mở rộng ra và tôi càng nhẹ nhõm hơn vì cái bóng đen số phận phủ lên tôi dần dần được trút bỏ.
Điều gì đến sẽ đến thôi. Với gần 500.000 bản copy sách dịch và sách sáng tác được bán tới bạn đọc, dù muốn hay không tôi cũng được nhiều người biết đến rồi. Đó dường như là kết quả tất yếu, cho dù tôi không ghim nó vào mục đích ban đầu của hành trình vượt qua nghịch cảnh. Tôi thường cười mà nói rằng trong cái thế giới này chỉ cần bạn có tố chất đặc biệt, vượt trên số đông một chút thì dù bạn ở xó xỉnh, ngóc ngách nào bạn cũng sẽ được biết đến thôi. Hình như đó là cách Tạo Hoá thử thách những người đặc biệt, cho họ cơ hội tự rèn luyện để sẵn sàng giới thiệu họ với thế giới như một sự khích lệ đối với những người đang còn phải mò mẫm trong bóng tối của nghịch cảnh.
Thực ra, bất cứ ai phải dựa vào các nguồn khác ngoài bản thân mình để cảm thấy mình có giá trị thì đều là những người chưa thật sự khoẻ mạnh về mặt tinh thần: giá trị của bạn, bạn phải tự biết dù người khác có tung hô bạn hay không. Còn nữa, khi bạn phải đối diện với chính mình hàng ngày thì cảm giác yên tâm về bản thân mình quan trọng lắm. Tôi luôn nhắc nhở mình dù làm bất cứ việc gì cũng phải để mình yên tâm về bản thân.
Tôi nói như vậy không có nghĩa rằng tôi phủ nhận những lợi ích của sự nổi tiếng hay không đánh giá cao sự ghi nhận của mọi người. Đối với người cầm bút, nổi tiếng trong vòng tròn rộng lớn của các độc giả là một sự nổi tiếng đáng quý, đáng mơ ước. Tôi vẫn tiếp tục học hỏi để sự nổi tiếng ấy luôn là sự nổi tiếng đáng quý”.
🎙️Anh Duy Đọc Xong Chưa:
“Hiện nay, rất nhiều người được xưng là ‘người truyền cảm hứng’ – và đôi khi, danh xưng ấy đi kèm với hào quang, lời mời diễn thuyết, và cả những cơ hội thương mại. Là một người đã bước qua nghịch cảnh bằng chính đôi chân mình, chị nghĩ sao về việc một cá nhân dùng danh tiếng và sức ảnh hưởng để phục vụ cho mục đích thương mại?
Theo chị, lằn ranh giữa ‘lan tỏa giá trị’ và ‘tận dụng danh tiếng’ nên được đặt ở đâu? Cá nhân em nghĩ, mỗi người sẽ có một điểm dừng/ điểm cân bằng khác nhau, giữa nhận thức về việc lan tỏa giá trị & khai thác giá trị kinh tế – từ danh tiếng của mình. Với chị, người đã chọn con đường âm thầm, bền bỉ và không ồn ào, chắc chắn là như vậy, vì nếu ồn ào thì em phải biết chị sớm hơn (cười), chị có từng đối diện với những ngã rẽ như vậy? Và nếu có, điều gì đã giúp chị giữ được sự tỉnh táo và trung thực với chính mình?”
🎙️Chị Nguyễn Bích Lan:
“Tôi cho rằng với các nền tảng truyền thông đa dạng, nhất là các mạng xã hội, chúng ta gần như hoàn toàn có quyền xây dựng một hoặc nhiều tờ báo của riêng mình, bởi thế việc ai đó trong chúng ta tự giới thiệu bản thân với thế giới là chuyện bình thường. Tuy nhiên, bạn phải rất thận trọng khi mình ( may hoặc không may) trở lên nổi tiếng. Có cả tỉ cơ hội đến cùng với sự nổi tiếng thì cũng có cả tỉ rủi ro và cạm bẫy. Tôi may mắn đã học được cách biết đủ là đủ trước khi tôi trở nên nổi tiếng và cũng nhờ tự học, tự giáo dục bản thân nên tôi rất khắt khe trong việc giữ các nguyên tắc cơ bản của riêng mình.
Tôi giữ các nguyên tắc đó vì tôi muốn thế và để mình sống khoẻ về mặt tinh thần khi mà thể chất luôn không được khoẻ. Sự trung thực, lương thiện là những điều căn bản mà tôi quyết giữ cả đời. Có lần ai đó muốn tôi sửa một hoá đơn sách mà tôi mua giúp từ các nhà xuất bản để giữa tổng giá bìa và giá chiết khấu có một khoản chênh lêch, và tôi kiên quyết không làm. Tôi nói rằng tôi đã giữ sự trung thực và lương thiện cả đời tôi rồi, tôi không thể vì chút tiền này mà đánh mất nó. Nhân đây tôi xin thưa, kể cả được trả tiền tỉ tôi cũng không phản bội các nguyên tắc cơ bản của mình.
Với trang Facebook cá nhân có lượng tương tác khá lớn và rất tích cực, đã nhiều lần tôi được người ta mời quảng cáo thực phẩm chức năng, khoá học online, và nhiều thứ khác nhưng tôi từ chối. Sách là thứ duy nhất mà tôi cho rằng mình biết đủ để giới thiệu, để chia sẻ với ai đó, bởi vì chính tôi là người đọc sách, viết sách, dịch sách và có thể khuyến đọc hiệu quả nhờ chính hành trình tự học của bản thân.
Thường thì người ta nghĩ đã thành công rồi thì ít phải nhắc đến chuyện học nữa. Nhưng tôi thấy khi thành công cũng là lúc con người ta phải cần học những bài học khó nhất của cuộc đời mình. Bạn thành công, nổi tiếng sau một đêm mà chưa kịp trang bị sự hiểu biết, chưa đủ trải nghiệm sống, chưa kịp hình thành và củng cố các nguyên tắc sống cốt lõi, chưa đủ kinh nghiệm để sống với sự nổi tiếng thì…đáng lo hơn là đáng mừng.”
🎙️Anh Duy Đọc Xong Chưa:
“Xin cảm ơn chị, cảm ơn chị đã nhận lời buổi phỏng vấn ngắn của em. Chúc chị và những cuốn sách sẽ tiếp tục sức sống mãnh liệt, thắp tiếp ngọn lửa tình yêu tri thức và truyền động nghị lực kiên cường này tới nhiều người hơn nữa. Chúc chị thật nhiều sức khỏe và thành công.”
🎙️Chị Nguyễn Bích Lan:
“Thật vui được kết nối với em. Chị tin sự kết nối này luôn là điều lành với cả em và chị. Chúc em mạnh khoẻ!”
——–
Kết thúc buổi interview online với chị Nguyễn Bích Lan, tôi ngồi lặng một lúc. Chỉ ngồi đó, dưới cái oi nồng đầu hạ, nơi ban công hóng gió. Cảm giác như thể trong không khí có thứ gì vừa trôi qua mà không ai buộc lại được.
Trong một thế giới nơi vài dòng chữ mang màu sắc “tâm huyết” có thể trở thành công cụ tiếp thị cho sữa bột hạ đường huyết hay bất kỳ sản phẩm nào được đóng gói dưới danh nghĩa “cảm xúc”, thì câu chuyện của chị Nguyễn Bích Lan hiện lên như một làn gió trái chiều.
Thời đại kỹ thuật số đã làm mờ đi ranh giới giữa chia sẻ cá nhân và chiến dịch bán hàng. Người dùng mạng xã hội ngày càng chứng kiến sự gia tăng của các “câu chuyện đời thực” – được kể lại một cách công phu trong các buổi livestream, đôi khi kèm theo nước mắt, và gần như luôn kết thúc bằng một mã giảm giá. Chỉ cần một chút tiếng tăm là đủ để tham gia vào chuỗi sự kiện gắn mác “truyền cảm hứng” – nơi cảm hứng được phân phối có điều kiện, và đã được định giá pricing từ trước.
Trong một cái chợ bán buôn lòng tin, mà sự tử tế được đóng gói như một sản phẩm tiêu dùng – có thể ship nhanh trong 2 ngày, còn tri thức được định lượng theo phút, cảm xúc được tính phí theo giờ. Những diễn giả kêu gọi sự “tỉnh thức” lại đang theo dõi bảng tính lợi tức hoàn vốn cho từng buổi coaching.
Và có lẽ, trong một kỷ nguyên mà ai cũng đang vội vã trở thành “người kể chuyện”, thì điều khiến ta thực sự dừng lại không phải là những tiếng nói được khuếch đại… mà là sự hiện diện lặng lẽ của một người không cần phải nói lớn để được lắng nghe.
Chị kể chuyện không phô trương. Không cần những khúc quanh kịch tính hay điểm rơi cảm xúc.
Chị chỉ kể – như thể sự thật, từ lâu, đã đủ sức đứng một mình.
Vì sự thật đâu cần phải trang điểm. Chỉ cần một người đủ bình tĩnh để ở lại, và lắng nghe đến cùng.

Bài viết liên quan